Roxycin
Bên dưới là thông tin trên bao bì đã được Bộ Y Tế cấp:
Thuốc được chỉ định để điều trị các loại nhiễm khuẩn nhẹ đến vừa, nặng ở người lớn gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm:
– Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: Viêm họng cấp tính, viêm amidan, viêm xoang.
– Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới: Viêm phế quản cấp, đợt cấp của viêm phế quản mạn tính, viêm phổi mắc phải ở cộng đồng.
– Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da.
– Viêm niệu đạo không do lậu cầu.
- Cách dùng, liều dùng:
Cách dùng: Dùng đường uống. Nên uống thuốc trước khi ăn ít nhất 15 phút hoặc sau ăn ít nhất 3 giờ.
Liều dùng:
– Liều thường dùng cho người lớn: 1 viên/ngày.
– Người cao tuổi: 1 viên/ngày.
– Bệnh nhân suy thận: 1 viên/ngày.
– Trẻ em: Không nên dùng dạng viên với hàm lượng 300 mg (dùng hàm lượng khác thích hợp hơn).
Thời gian điều trị thông thường từ 5 – 10 ngày tùy thuộc vào chỉ định và đáp ứng lâm sàng. Viêm họng do Streptococcus phải điều trị ít nhất 10 ngày. Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân nhiễm khuẩn sinh dục không do lậu cầu có thể cần đến 20 ngày điều trị để khỏi hoàn toàn.
- Chống chỉ định:
– Quá mẫn cảm với kháng sinh nhóm Macrolid hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
– Suy gan nặng.
– Điều trị đồng thời với các alkaloid cựa lõa mạch gây co mạch.
- Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc:
– Sử dụng kháng sinh dài ngày bao gồm cả roxithromycin có thể làm phát triển quá mức các vi khuẩn không nhạy cảm, trong trường hợp này nên ngừng thuốc và có các biện pháp xử trí thích hợp.
– Đã có báo cáo viêm đại tràng giả mạc khi sử dụng kháng sinh. Độc tố do Clostridium difficile là nguyên nhân chính. Mức độ của viêm đại tràng giả mạc có thể từ nhẹ đến đe dọa tính mạng. Vì vậy cần phải chú ý tời việc chẩn đoán bệnh này ở người bệnh tiêu chảy nặng trong hoặc sau khi dùng kháng sinh. Trường hợp viêm đại tràng giả mạc thể nhẹ nên ngừng thuốc. Trường hợp viêm đại tràng giả mạc trung bình đến nặng, cần thực hiện các biện pháp thích hợp. Bù nước, điện giải và liệu pháp thay thế protein nên được chỉ định.
– Thuốc làm chậm nhu động ruột (như thuốc phiện, diphenoxylat kết hợp atropin (LOMOTIL)), có thể kéo dài hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Vì vậy, không nên sử dụng.
– Giống với erythromycin, trong thử nghiệm in vitro roxithromycin đã được chứng minh khả năng kéo dài thời gian điện thế hoạt động của tim phụ thuộc vào nồng độ. Khả năng này chỉ được thể hiện ở nồng độ điều trị phù hợp. Vì vậy, không nên vượt quá liều khuyến cáo.
– Trong điều kiện nhất định, macrolid bao gồm roxithromycin có khả năng kéo dài khoảng QT. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng roxithromycin ở những bệnh nhân có QT kéo dài bẩm sinh, với các tình trạng suy nhược cơ thể (hạ kali máu hoặc hạ magnesi máu, nhịp tim chậm) và ở bệnh nhân có các thuốc chống loạn nhịp cấp độ IA và III như astemizol, cisaprid hoặc pimozid và hydroxycloquin hoặc cloquinin.
– Giống như các macrolid khác, roxythromycin có thể làm trầm trọng thêm bệnh nhược cơ.
– Bệnh liên quan đến Clostridium difficile như tiêu chảy đặc biệt nếu nặng, dai dẳng và hoặc có máu xảy ra trong hoặc sau khi điều trị bằng roxithromycin có thể là triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc. Nếu nghi ngờ viêm đại tràng giả mạc phải ngừng ngay roxithromycin.
– Các trường hợp phản ứng da nghiêm trọng như hội chứng Stevens Johnson (SJS) hoặc hoại tử biểu bì nhiễm độc (TEN) đã được báo cáo khi dùng roxithromycin. Nếu có các triệu chứng hoặc dấu hiệu của SJS hoặc TEN (như phát ban, mụn nước hoặc tổn thương niêm mạc) nên ngừng điều trị bằng roxithromycin.
– Co mạch nghiêm trọng (ergotism) có khả năng hoại tử các chi đã được báo cáo khi sử dụng kháng sinh nhóm macrolid và alkaloid cựa lõa mạch. Phải luôn kiểm tra việc điều trị với các alkaloid này trước khi kê toa roxithromycin.
– Cân nhắc giữa lợi ích/nguy cơ trước khi kê đơn roxithromycin hoặc các maccrolid khác khi bệnh nhân đang dùng hydroxycloquin hoặc cloquin, vì khả năng tăng nguy cơ mắc biến cố tim mạch và tử vong do tim mạch.
– Bệnh suy gan: Phải đặc biệt thận trọng khi dùng roxithromycin cho người bệnh suy giảm chức năng gan nặng. Trường hợp phải bắt buộc sử dụng, cần giảm liều đi một nửa và thường xuyên theo dõi chức năng gan.
– Bệnh suy thận: Sự an toàn của roxithromycin chưa được chứng minh trên bệnh nhân suy thận. Cần thận trọng khi dùng roxithromycin cho bệnh nhân suy thận. Sự bài tiết qua thận của roxithromycin và các chất chuyển hóa chiếm tỷ lệ nhỏ trong liều uống. Không cần điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận.
– Người cao tuổi: Không cần chỉnh liều ở người cao tuổi.
– Trẻ em: Trong các nghiên cứu ở động vật còn non, liều cao roxithromycin đường uống có liên quan đến sự bất thường của đĩa tăng trưởng xương. Tuy nhiên, không quan sát được bất thường ở động vật khi dùng liều cho kết quả nồng độ roxithromycin tự do trong huyết tương cao hơn từ 10 đến 15 lần so với nồng độ tự do của trẻ em ở liều điều trị. Việc duy trì giới hạn an toàn chủ yếu phụ thuộc vào ái lực gắn kết của roxithromycin với alpha-1-acid glycoprotein trong huyết tương và sẽ bị ảnh hưởng nếu làm giảm khả năng liên kết này. Nên tuân thủ nghiêm ngặt chế độ liều ở trẻ em đã được phê duyệt (5 mg – 8 mg/kg/ngày trong tối đa 10 ngày). Giảm bạch cầu trung tính đã được quan sát thấy ở trẻ em được điều trị bằng roxithromycin.
– Ảnh hưởng của các xét nghiệm: Không có dữ liệu.
- Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú:
Phụ nữ có thai: Các nghiên cứu về khả năng sinh sản ở chuột cống, chuột nhắt và thỏ với liều tương ứng là 100, 400 và 135 mg/kg/ngày, không chứng minh được sự phát triển bất thường. Ở chuột, với liều trên 180 mg/kg/ngày, đã có bằng chứng gây độc cho phôi thai và thai nhi. Độ an toàn của roxithromycin đối với thai nhi chưa được thiết lập. Vì vậy, tốt nhất không nên sử dụng roxithromycin cho phụ nữ mang thai.
Phụ nữ cho con bú: Một lượng nhỏ roxithromycin được bài tiết qua sữa mẹ. Cần cân nhắc đến việc ngừng cho con bú hoặc ngừng thuốc, cân nhắc trên mức độ cần thiết sử dụng thuốc cho mẹ.
- Ảnh hưởng đến khả năng lái xe, vận hành máy móc:
Thuốc có thể gây chóng mặt, suy giảm thị lực và mờ mắt, không lái xe hoặc vận hành máy móc nếu bị ảnh hưởng nặng.
- Tương tác, tương kỵ của thuốc:
– Roxithromycin có ái lực với cytochrom P450 thấp hơn nhiều so với erythromycin, do đó có ít tương tác hơn. Roxithromycin dường như không tương tác với thuốc tránh thai đường uống có chứa estrogen và progestogen, prednisolon, carbamazepin, ranitidin hoặc thuốc kháng acid.
– Dùng đồng thời với theophyllin đã cho thấy tăng nồng độ thuốc trong huyết tương, nhưng không cần phải thay đổi liều thường dùng. Bệnh nhân có nồng độ theophyllin cao khi bắt đầu điều trị nên theo dõi, đánh giá bệnh nhân.
– Ergot alkaloid (alkaloid cựa lõa mạch): Khi dùng kháng sinh macrolid kết hợp với các alkaloid gây co mạch của nấm cựa gà, co mạch ở các đầu chi có thể dẫn đến hoại tử đã được ghi nhận. Vì không thể loại trừ tương tác lâm sàng với roxithromycin, nên chống chỉ định roxithromycin cho bệnh nhân dùng ergot alkaloid. Phải kiểm tra bệnh nhân không điều trị bằng các alkaloid này trước khi kê đơn roxithromycin.
– Một số kháng sinh nhóm macrolid (như erythromycin) có thể làm tăng nồng độ terfenadin trong huyết thanh. Điều này có thể dẫn đến các biến cố bất lợi nghiêm trọng trên tim mạch, bao gồm kéo dài khoảng QT, xoắn đỉnh và các rối loạn loạn nhịp thất khác. Các phản ứng này chưa được ghi nhận với roxithromycin, chất này có ái lực với cytochrom P450 thấp hơn nhiều so với erythromycin. Trong trường hợp không có nghiên cứu tương tác có tính hệ thống, không khuyến cáo sử dụng đồng thời roxithromycin và terfenadin.
– Khi dùng chung có thể thay thế protein gắn kết với disopyramid, như vậy có thể gây tăng nồng độ disopyramid trong huyết thanh. Do đó cần theo dõi điện tâm đồ ECG và nồng độ disopyramid khi dùng phối hợp.
– Astemizol, cisaprid, pimozid: được chuyển hóa bởi isozyme gan CYP3A4, có liên quan đến kéo dài khoảng QT và/hoặc rối loạn nhịp tim (điển hình là gây xoắn đỉnh) do làm tăng các nồng độ thuốc này trong huyết thanh sau khi dùng. Tương tác với các chất ức chế đáng kể isozym này, bao gồm một số kháng sinh nhóm macrolid. Mặc dù roxithromycin không có hoặc hạn chế khả năng đối với CYP3A4 và do đó ức chế quá trình chuyển hóa của các thuốc khác được xử lý bởi isozym này. Khả năng tương tác lâm sàng của roxithromycin với các thuốc nêu trên không thể các định hoặc loại trừ một cách chắc chắn, do đó, không nên dùng đồng thời roxithromycin và các loại thuốc này.
– Roxithromycin, cũng như các macrolid khác, nên được sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân đang dùng thuốc chống loạn nhịp nhóm IA và III.
– Mặc dù không quan sát thất tương tác nào trong các nghiên cứu tình nguyện, roxithromycin dường như tương tác với warfarin. Roxithromycin kéo dài thời gian prothrombin (INR) đã được báo cáo ở những bệnh nhân điều trị đồng thời roxithromycin và warfarin hoặc phenprocoumon đối kháng vitamin K, và hậu quả là các đợt chảy máu nghiêm trọng đã xảy ra. INR nên được theo dõi trong quá trình điều trị kết hợp roxithromycin và thuốc đối kháng vitamin K.
– Dữ liệu chỉ ra rằng việc sử dụng đồng thời azithromycin với hydroxycloroquin ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ biến cố tim mạch và tử vong do tim mạch. Do đó, khả năng này có thể xảy ra với các macrolid khác khi kết hợp hydroxycloroquin hoặc cloroquin, vì vậy nên cân nhắc cẩn thận giữa lợi ích/nguy cơ trước khi kê roxithromycin cho bệnh nhân đang sử dụng hydrocloroquin hoặc cloroquin.
– Digoxin và các glycosid tim khác: Roxithromycin có thể làm tăng sự hấp thu digoxin, có thể dẫn đến ngộ độc glycosid tim. Điều này có thể biểu hiện bằng các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu hoặc chóng mặt. Độc tính glycosid tim cũng có thể gây rối loạn dẫn truyền và/hoặc loạn nhịp tim. Do đó bệnh nhân được điều trị phối hợp roxithromycin và digoxin hoặc các glycosid tim khác cần bắt buộc theo dõi điện tâm đồ ECG và nồng độ glycosid tim trong huyết thanh.
– Roxithromycin, cũng như các thuốc macrolid khác khi dùng phối hợp, có thể làm tăng diện tích dưới đường cong nồng độ – thời gian của midazolam. Do đó tác dụng của midazolam có thể tăng cường và kéo dài ở những bệnh nhân được điều trị bằng roxithromycin. Không có bằng chứng thuyết phục về sự tương tác giữa roxithromycin với triazolam.
– Có sự gia tăng nhẹ nồng độ cyclosporin A trong huyết tương. Không cần phải thay đổi liều lượng.
– Roxithromycin là chất ức chế yếu CYP3A. Tác dụng của roxithromycin khi sử dụng với các thuốc được thải trừ chủ yếu bằng chuyển hóa CYP3A sẽ gấp 2 lần hoặc ít hơn. Cần thận trọng khi kê đơn đồng thời roxithromycin với các thuốc được chuyển hóa bởi CYP3A (như rifabutin và bromocriptin).
– Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.
- Tác dụng không mong muốn của thuốc:
Thường gặp, ADR > 1/100:
– Tiêu hóa: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.
Ít gặp, 1/1 000 ≤ ADR < 1/100
– Hệ miễn dịch: Phản ứng quá mẫn: Mày đay, phù Quincke, ban xuất huyết, co thắt phế quản, sốc phản vệ.
– Da: Phát ban, hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell.
– Tim mạch: Kéo dài khoảng QT, loạn nhịp thất, rung thất.
– Thần kinh trung ương: Chóng mặt hoa mắt, đau đầu, ảo giác, chứng dị cảm, giảm khứu giác và/hoặc vị giác.
Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
– Tiêu hóa: Tăng enzym gan trong huyết thanh. Viêm gan ứ mật, triệu chứng viêm tụy (rất hiếm).
– Khác: Tăng các vi khuẩn kháng thuốc, bội nhiễm, viêm phổi tăng bạch cầu ưa acid.
- Quá liều và cách xử trí:
Biểu hiện:
– Buồn nôn, nôn, rối loạn thượng vị, tiêu chảy.
Xử trí:
– Không có thuốc giải độc đặc hiệu, rửa dạ dày, điều trị triệu chứng và hỗ trợ.
- Đặc tính dược lực học:
– Nhóm được lý: Thuốc kháng sinh nhóm macrolid
– Mã ATC: J01FA06.
Roxithromycin là kháng sinh nhóm macrolid. Tương tự như erythromycin và các macrolid khác, roxithromycin gắn thuận nghịch với tiểu đơn vị 50S của ribosom vi khuẩn nhạy cảm, ức chế tổng hợp protein và nhờ đó ức chế sự phát triển của tế bào vi khuẩn.
Tác dụng của các maclorid chủ yếu là kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn nhưng có thể diệt khuẩn ở nồng độ cao đối với các chủng rất nhạy cảm. Tác dụng của chúng tăng lên ở pH kiềm nhẹ (khoảng 8,5), đặc biệt với các vi khuẩn Gram âm.
Giới hạn nồng độ để phân loại tính nhạy cảm của vi khuẩn đối với roxithromycin: Nhạy (S) < 1 mg/lít và kháng (R) ≥ 4 mg/lít. Cần hết sức lưu ý vì hiện nay kháng sinh macrolid bị kháng rất nhiều.
Các vi khuẩn nhạy cảm:
– Gram dương hiếu khí: Bacillus cereus, Corynebacterium diphteriae, cầu khuẩn đường ruột, Rhodococcus equi, Staphylococcus nhạy cảm methicilin, Streptococcus nhóm B hoặc không phân nhóm, Streptococcus pyogenes, Streptococcus pneumoniae.
– Gram âm hiếu khí: Bordetella pertussis, Branhamella catarrhalis, Campylobacter, Legionella, Moxarella.
– Vi khuẩn kỵ khí: Actinomyces, Bacteroides, Eubacterium, Mobiluncus, Peptostreptococcus, Porphyromonas, Prevotella, Propionibacterium acnes.
– Vi khuẩn khác: Borrelia burgdorferi, Chlamydia, Coxiella, Leptospires, Mycoplasma pneumoniae, Treponema pallidium.
Vi khuẩn nhạy trung bình:
– Gram âm hiếu khí: Haemophilus, Neisseria gonorhoeae.
– Vi khuẩn kỵ khí: Clostridium perfringens.
– Vi khuẩn khác: Ureaplasma urealyticum.
Vi khuẩn kháng thuốc:
– Gram dương hiếu khí: Corynebacterium jeikeium, Nocardia asteroides.
– Gram âm hiếu khí: Acinetobacter, Enterobacterm, Pseudomonas.
– Vi khuẩn kỵ khí: fusobacterium.
– Vi khuẩn khác: Mycoplasma hominis.
- Đặc tính dược động học:
– Hấp thu: Roxithromycin được hấp thu tốt sau khi uống với sinh khả dụng tuyệt đối khoảng 50%. Đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương khoảng 1 – 2 giờ sau khi uống một liều 300 mg. Thức ăn làm giảm hấp thu, vì vậy nên uống thuốc trước khi ăn ít nhất 15 phút hoặc uống thuốc sau khi ăn ít nhất 3 giờ.
– Phân phối: Roxithromycin phân bố rộng rãi vào các mô và dịch của cơ thể. Liên kết với protein huyết tương khoảng 92 – 96%. Roxithromycin phân bố cao trong bạch cầu đa nhân và đại thực bào, đạt nồng độ gấp 30 lần so với nồng độ ở huyết tương nhưng không qua được hàng rào máu não. Một lượng nhỏ thuốc được thải trừ vào sữa.
– Chuyển hóa: Một lượng nhỏ roxithromycin chuyển hóa ở gan. Chất chuyển hóa là descladinose roxithromycin. Nồng độ roxithromycin trong huyết tương xấp xỉ gấp đôi so với tất cả các chất chuyển hóa.
– Thải trừ: Phần lớn liều dùng được thải trừ qua phân ở dạng còn nguyên hoạt tính và chất chuyển hóa, 7 – 10% thải trừ qua thận và khoảng 15% thải trừ qua đường hô hấp. hời gian bán thải của roxithromycin khoảng 12 giờ ở người lớn và 20 giờ ở trẻ em. Kéo dài đến 25 giờ ở người lớn có chức năng gan bị suy giảm và 18 giờ ở người lớn bị suy thận. Thời gian bán thải trung bình ở bệnh nhân cao tuổi khoảng 27 giờ. Thuốc không bị thải bởi thẩm tách máu qua lọc màng bụng.
Quy cách đóng gói:
Hộp 3, 5, 10 vỉ x 10 viên nén bao phim.
Lọ 100, 200 viên nén bao phim.